FUD Là Gì? Những Tác Động Của FUD Lên Thị Trường Crypto
Nếu một trader hoang mang, lo lắng và bán tháo tài sản ảo vì những tin tức tiêu cực về thị trường crypto, rất có thể người này đã trở thành nạn nhân của FUD – một chiến thuật tâm lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Vậy chính xác thì FUD là gì? Sự khác biệt giữa FOMO và FUD là gì? Tìm hiểu ngay ở bài viết này nhé!
Mục lục
1. FUD Là Gì? Sự Khác Biệt giữa FOMO và FUD Là Gì?
1.1. Khái niệm FUD
FUD là viết tắt của Fear – Uncertainty – Doubt, nhằm ám chỉ nỗi sợ hãi, sự không chắc chắn và nghi ngờ của nhiều người khi có thông tin xấu về một dự án, cá nhân, tổ chức,… được phát tán từ các nguồn không xác định nào đó.
Trong thị trường crypto, FUD xảy ra khi mọi người lan truyền tin tức tiêu cực, sai lệch hoặc phóng đại về một tài sản, dự án, nền tảng,… với mục đích khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, thường được gọi là tin FUD, FUD coin, FUD crypto,… Điều này dẫn đến việc tài sản hoặc token của dự án bị bán tháo và giảm giá mạnh trong thời gian ngắn.
1.2. Khái niệm FOMO
Bên cạnh FUD, trong thị trường crypto cũng tồn tại khái niệm FOMO (Fear Of Missing Out – Hội chứng sợ bỏ lỡ). Giống như tên gọi, hội chứng FOMO thể hiện cảm giác lo lắng, bất an xuất phát từ việc nghĩ rằng bạn có thể bỏ lỡ điều gì đó quan trọng hoặc có giá trị.
Khác với FUD – nỗi sợ khi các thông tin tiêu cực xuất hiện, FOMO đề cập đến nỗi sợ sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận có thể kiếm được từ việc mua tiền điện tử. Khi mắc hội chứng FOMO, một số dấu hiệu phổ biến mà traders có thể mắc phải là bị lấn át, thôi thúc bởi cảm giác lo lắng, sợ hãi và tham lam; dẫn đến việc ra quyết định mua hoặc bán đồng coin/token một cách hấp tấp mà chưa có chiến lược cũng như sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
1.3. Những biểu hiện tâm lý khi mắc hội chứng FUD
Thông thường, người bị mắc hội chứng FUD sẽ là những nhà đầu tư ít kinh nghiệm trên thị trường crypto. Họ thường sẽ có những biểu hiện như:
- Cảm thấy sợ hãi với thông tin xấu đang lan truyền, dẫn đến việc ra quyết định vội vàng khi chưa có sự tìm hiểu, nghiên cứu để xác định đâu là nguồn tin chính xác.
- Nôn nóng trong khi giao dịch, liên tục kiểm tra lệnh và vị thế giao dịch đã mở.
- Không có kế hoạch, chiến lược trước khi đầu tư hoặc giao dịch.
- Giao dịch theo tin tức nhưng không cập nhật thị trường đủ nhanh, hoặc không có cái nhìn tổng quan đầy đủ về một tin tức.
- Dễ bị lung lay và không kiên định với nhận định của mình vì chưa có các kỹ năng phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.
Ví dụ: Nhà giao dịch A đã vào lệnh mua token B và đang chờ tăng giá để bán. Vài ngày sau, bỗng dưng có tin tức đồng B sẽ bị delist (gỡ khỏi) sàn giao dịch, kèm với chứng cứ là một tấm hình thông báo giả mạo của sàn. Điều này sẽ khiến nhà giao dịch A hoang mang.
Ngay lập tức, A kiểm tra trong nhiều cộng đồng crypto khác nhau trên telegram và thấy tin tức này được bàn luận khá nhiều. Lúc này, A sẽ dễ bị rơi vào tình trạng sợ hãi – FUD, vì nếu token B bị delist thật thì khả năng A mất tiền là rất cao.
Khi đó, tâm lý của nhà giao dịch A chỉ còn tập trung đến việc bảo toàn tài sản của mình bằng cách bán tháo token B với giá ít lỗ nhất có thể. Và khi nhiều người cùng nghĩ như thế, nhu cầu mua không có mà nhu cầu bán quá cao sẽ làm cho giá token B giảm đi nhiều so với mức trước khi bị FUD.
→ Trong trường hợp trên:
- Token B là bên bị ảnh hưởng của FUD (hay còn gọi là bị FUD).
- Nhà giao dịch A là bên mắc hội chứng FUD.
2. Ai Là Người Tạo Ra FUD Trong Crypto?
FUD là một chiến lược thường được các tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng (KOLs) trong thị trường crypto áp dụng để phục vụ những lợi ích riêng của họ.
Những người tạo FUD sẽ sử dụng các trang mạng xã hội hoặc truyền thông, báo đài để đưa thông tin tiêu cực về một dự án, ví dụ như các thông tin liên quan đến quy định của chính phủ, bị mất peg, dự án lừa đảo, rug pull,…
Mục đích phổ biến nhất của những người tạo FUD là dìm giá đồng coin/token xuống thấp để gom hàng, tức mua vào đồng đó nhiều nhất có thể. Sau đó, họ sẽ sử dụng mánh khoé của mình để kích hoạt FOMO trong cộng đồng và chốt lời.
3. Những Tác Động Của FUD Lên Thị Trường Crypto
- FUD có thể khiến cảm xúc, tinh thần của các nhà đầu tư bị dao động mạnh bởi sự sợ hãi và nghi ngờ, dẫn đến việc đưa ra những quyết định hấp tấp và thiếu tính toán.
- Hậu quả là tài sản của họ sẽ giảm dần theo thời gian sau mỗi lần bị FUD.
- Ngoài ra, FUD cũng làm cho những nhà đầu tư không còn niềm tin vào nhận định của chính mình nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung, do đã bị “lừa” và thua lỗ nhiều. Điều này có thể khiến họ có cái nhìn xấu về crypto và rời bỏ thị trường.
4. Các Cách Tránh Tâm Lý FUD Khi Đầu Tư Crypto
FUD là loại hội chứng phổ biến ở các trader là người mới chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường. Vì vậy, để tránh mắc phải những sai lầm và trở thành miếng mồi ngon bị lợi dụng trên thị trường, anh em cần nắm rõ nguyên tắc sau đây:
4.1. Kiên định với mục tiêu phát triển dài hạn
Kiên định trong giao dịch, đầu tư là một trong các yếu tố quan trọng để có được sự thành công trong thị trường này. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ, hoặc biết nhưng khó thực hiện được.
Sự quyết tâm và ý chí kiên định là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành bại của các nhà đầu tư. Kiên định sẽ giúp bạn phân biệt được phải trái đúng sai kiên nhẫn đi theo đúng kế hoạch đã tính trước, tránh trường hợp mắc phải các lỗi ra quyết định ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
4.2. Hiểu biết thị trường
Bên cạnh việc hiểu cặn kẽ FUD là gì, hiểu rõ về thị trường cũng giúp bạn giữ vững tâm lý. Tuy nhiên, hiểu thị trường là một trong những nguyên tắc khó tuân thủ nhất. Bởi vì cả những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng không dám khẳng định về mức độ hiểu biết thị trường của mình như thế nào.
Tuy nhiên, đối với một người vừa bước chân vào thị trường, bạn cần hiểu được tính chất rằng: bất kể kênh đầu tư nào cũng đều có nhiều cơ hội kiếm tiền và cả những thách thức, rủi ro từ chính những cơ hội ấy. Một khi thấy một đồng coin hay tài sản giao dịch nào đang tăng giá một cách vô lý, tốt nhất bạn nên nằm ngoài “cuộc chơi”, đi tìm các cơ hội khác an toàn hơn.
4.3. Biết cắt lỗ đúng lúc
Bạn cần thiết lập điểm dừng lỗ stop loss, điểm vào lệnh, điểm bán ra là bao nhiêu,… trước khi giao dịch. Các nhà đầu tư xem việc cắt lỗ là nguyên tắc bất di bất dịch. Nếu bạn đã lỡ FOMO và “đu đỉnh” rồi thì cũng đừng ngần ngại việc cắt lỗ. Việc này chí ít cũng giúp bạn giữ lại cho mình ít số vốn để tìm cơ hội khác.
4.4. Quản lý vốn hợp lý
Việc phân phối và biết cách quản lý vốn một cách hiệu quả sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các rủi ro do FUD gây ra. Ngoài ra, việc quản lý vốn tốt cũng giúp bạn duy trì được một khoản lợi nhuận ổn định trong khi FUD không thể ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của bạn nữa.
4.5. Xác định phong cách đầu tư
Phong cách đầu tư là các quan điểm, thói quen giao dịch diễn ra một cách thường xuyên trong những giao dịch của bạn. Có cho mình một phong cách đầu tư nhất quán tốt hơn là không có một chút phong cách nào.
Việc xác định phong cách đầu tư bao gồm giao dịch ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn để xác định cách thức ra quyết định khi ảnh hưởng bởi FUD. Giả sử bạn thuộc phong cách lướt sóng ngắn hạn thì việc hành động theo các đợt FOMO sẽ giúp bạn đạt được lợi nhuận nhanh chóng. Ngược lại, đối với phong cách trung hạn hay dài hạn, FUD sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực.
Kết luận
Như vậy qua bài viết trên, chúng ta đã phân tích khá đầy đủ về FUD. Đây là một hội chứng tâm lý thường hay gặp trong đầu tư tài chính. Hy vọng bạn sẽ là một trong những nhà đầu tư sáng suốt nhất, có thể tìm được những cơ hội tốt nhất. Chúc bạn may mắn!
→ Có thể bạn quan tâm: Phân Tích Giá Bitcoin (BTC) Từ 26/02/2024 Đến 03/03/2024